Tin suối cá

 Kỳ 1: Thực hư truyền thuyết Tứ Phủ Long Vương và thần cá Lương Ngọc...

Con cá kỳ lạ nặng chừng 30Kg, toàn thân óng lên ánh vàng, có râu như râu rồng, hai mang cá có viền đỏ như vòng khuyên. Khi con cá này xuất hiện thì đàn cá bơi quấn xung quanh. Nhân dân nơi đây gọi là cá chúa.

Này… Này… Dừng lại…
Anh muốn thần linh phạt hả?
Bước lên ngay…!!!
Tôi giật mình quay lại, cô gái Mường nhìn tôi rồi đỏ mặt  quay đi…
Thần linh phạt… Dù là một kẻ không mấy tin ở những chuyện thần linh nhưng câu nói đầy cương nghị của cô gái làm tôi chợt giật mình, buông vội chú cá nặng gần chục Kg trên tay ra giữa một bầy cá đông vô kể đang quẩn quanh dưới chân, tôi nhảy vội lên bờ... Tò mò, tôi bắt chuyện với cô gái Mường xinh đẹp tên Mai và bắt đầu hành trình đi tìm dấu tích truyền thuyết kỳ thú về Tứ Phủ Long Vương cùng câu chuyện đi tìm cá chúa đầy màu sắc huyền bí quanh suối cá thần Lương Ngọc.

Suối cá thần Cẩm Lương là một điểm du lịch nguyên sơ đầy kỳ thú với không gian sinh thái thanh bình. Giữa núi rừng là một dòng suối trong vắt, hiền hòa. Khác với những dòng suối thông thường, dòng suối này được bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Trường Sinh với chiều dài chưa đầy 150m, mực nước mùa mưa cũng như mùa khô chỗ sâu nhất cũng chỉ chừng 60cm, nước trong vắt. Điều kỳ lạ là dòng suối là nơi cự ngụ của đàn cá hàng nghìn con mỗi con nặng trung bình từ 5 đến 7Kg trở lên.
Suối cá thần Lương Ngọc thuộc xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy không chỉ là thắng cảnh hấp dẫn du khách đến đây. Mà đối với người dân bản địa đây còn là nơi mang yếu tố tâm linh bởi quanh sự khởi sinh của suối cá thần có những câu chuyện truyền thuyết nhuốm màu sắc hư ảo cùng những dấu tích của truyền thuyết vẫn còn lại với thời gian.
Mai đưa tôi vào đền thờ Tứ Phủ Long Vương mới được nhân dân dựng lại ngay bên bờ suối thắp một nén hương rồi đưa tôi đi tìm dấu tích còn lại của truyền thuyết về suối cá thần…
Truyền thuyết kể lại rằng… Vào thuở khai thiên lập địa, nơi đây là nơi cư ngụ của bản Mường. Rồi một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, quanh năm không có mưa, cỏ cây khô héo, ruộng nương nứt nẻ, nhân dân không trồng cấy được rơi vào cảnh túng quẫn. Trong bản, có hai vợ chồng già hiếm muộn. Một hôm bà cụ đi rừng và nhặt được quả trứng lạ. Cụ đưa về nhà cho gà ấp. Kỳ lạ thay quả trứng nở ra một con rắn thân xanh đen, miệng rắn mầu đỏ, mình rắn nhưng miệng giống miệng cá chép, có mầu đỏ lại có râu như râu rồng.
Hai vợ chồng ông lão sợ hãi đưa con rắn vào thả trong rừng. Nhưng con rắn cứ bò theo họ về nhà. Rồi dần dần con rắn trở thành một thành viên trong gia đình, hàng ngày quấn trên xà nhà. Thấy ông bà lão đi làm về thì trườn ra đón.
Cho đến một đêm, trời bỗng nổi cơn giông lớn, trời tối sầm, mưa ào ạt trút xuống, sấm chớp nổ vang cả vùng trời. Cả bản Mường vui mừng bởi sau cả năm hạn hán mới có mưa. Sáng ra khi ông bà lão thức giấc thì không thấy con rắn đâu nữa. Khi người dân hồ hởi ra đồng thì thấy xác một con giao long lớn nổi trên mặt nước. Nhận ra đó là con rắn kỳ lạ trong nhà ông bà lão hiếm muộn. Người dân đem chôn ở chân núi Trường Sinh.
Đêm hôm đó, già bản nằm mơ thấy thần linh hiện về báo mộng. Giao long mà dân bản vừa chôn chính là con rắn thiêng ở nhà ông bà lão hiếm muộn. Chính Giao long đã dùng tính mạng của mình làm mưa cứu dân bản, sau khi chết được thượng đế phong thần hiệu Tứ Phủ Long Vương.
Già bản đem chuyện giấc mộng kể cho cả bản biết. Dân bản đã lập một đền thờ ở chân núi Trường Sinh ngay cạnh nơi chôn xác Giao long. Điều kỳ lạ, nơi người dân chôn xác Giao long biến thành một dòng suối trong vắt. Con suối bắt nguồn từ trong lòng núi, hướng gối đầu của xác Giao long. Nước suối chảy quanh năm không bao giờ cạn. Và trong lòng suối xuất hiện đàn cá trông như cá chép, đầu, vây và miệng cá màu đỏ, có râu như râu rồng. Đàn cá đông đến hàng nghìn con. Trọng lượng trung bình mỗi con ước chừng từ 5 đến 7 Kg.
Cũng từ đó, dòng suối mang lại nguồn nước cho bản làng trồng cấy. Cây cối tốt tươi, bản làng no ấm.
Điều rất kỳ lạ là giữa đàn cá hàng nghìn con, người dân nơi đây nhiều lần thấy xuất hiện một con cá khác hẳn so với những con cá vốn thường thấy. Con cá này nặng chừng 30Kg, toàn thân óng lên ánh vàng, hai mang cá có viền đỏ như vòng khuyên. Khi con cá này xuất hiện thì đàn cá bơi quấn xung quanh. Nhân dân nơi đây gọi là cá chúa. Từ khi ngôi đền cũ bị đánh sập đến nay, cá chúa rất ít xuất hiện. Cứ năm nào cá chúa xuất hiện thì năm đó khí hậu ôn hòa, nhân dân được mùa hơn hẳn các năm khác.
Những năm 2000 ghềnh đá gần suối bị sập từ đó đến nay không thấy cá chúa xuất hiện nữa. Dấu tích của cá chúa cũng còn là một bí ẩn không chỉ với khách du lịch mà còn cả với người dân bản địa.
Mang theo câu chuyện truyền thuyết, Mai đưa tôi đi tìm cụ Đức, năm nay đã 84 tuổi, người già nhất bản Ngọc để tìm hiểu về ngôi đền thiêng và dấu ấn của truyền thuyết. Cụ cho biết, cụ cũng không biết truyền thuyết này có từ bao giờ. Nhưng ngôi đền thờ Tứ Phủ Long Vương đã được xây dựng từ thế kỷ thứ XI. Đền thờ đã có các đạo sắc phong: 2 đạo sắc phong thời Lê và 1 đạo sắc phong vào thời Vĩnh Tộ và thời Cảnh Hưng, 1 đạo sắc vào thời Nguyễn của vua Khải Định năm thứ 8 (1924). Đền đã nhiều lần được trùng tu lại, lần trùng tu mới nhất vào năm 1928. Trải qua mưa nắng và bom đạn chiến tranh, đền đã bị đánh sập vào năm 1962. Theo thời gian, các đạo sắc phong cũng bị thất lạc. Hiện nay người dân đã tiến hành phục dựng một ngôi đền mới ngay cạnh bờ suối. Còn dấu tích ngôi đền cũ thì đã bị dây rừng và cây cối phủ kín.
Leo qua những mỏm đá tai mèo lởm chởm, tua tủa những dây rừng chừng 200m, bàn chân tứa máu, bước chân tôi như bị dây rừng kéo lại. Mai nhễ nhại mồ hôi cười kéo tôi đến một sườn đá. Đây chính là dấu tích của đền thờ Tứ Phủ Long Vương từ xưa còn sót lại. Mỏm đá cũ nền móng của ngôi đền thờ Tứ Phủ Long Vương xưa nằm cách tả ngạn con suối chừng 200m đã bị dây rừng và cây cối phủ kín, chỉ còn lại một mỏm đá tương đối bằng phẳng với rêu phong phủ đầy dấu tích của thời gian.
Chúng tôi trở về bên bờ suối. Mai chỉ tay lên lưng chừng núi Trường Sinh nói, đó chính là động Cây Đăng. Trong lòng động có ngách duy nhất vào lòng núi Trường Sinh nơi phát nguồn của suối cá thần này. Nhìn theo hướng chỉ của cô gái Mường, trong tôi lóe lên ý nghĩ phải khám phá lòng hang núi để tìm dấu vết khởi nguồn của con suối chứa đựng nhiều bí ẩn và thực hư cá chúa ở suối cá thần Lương Ngọc.


Kỳ 2: Giải mã những bí ẩn quanh câu chuyện về suối cá thần

Không chỉ những câu chuyện kỳ lạ quanh suối cá thần Lương Ngọc được truyền miệng mà thực tế ngay cả dòng chảy, nguồn nước, rồi đặc tính sinh sống của loài cá nơi đây cũng hết sức bí ẩn.
Từ truyền thuyết về suối cá thần Lương Ngọc còn chứa đựng nhiều bí ẩn với những dấu tích còn lại với thời gian đến nhiều câu chuyện có thật liên quan đến suối cá khiến nhiều người nghi hoặc. Không chỉ người dân bản địa mà khách du lịch cũng coi đây mà một địa điểm thắng cảnh mang đậm yếu tố tâm linh. Hễ ai xâm phạm đến suối cá là phạm đến thần linh.
Người dân nơi đây còn kể lại nhiều câu chuyện kỳ lạ liên quan đến suối cá thần. Trước đây, vào những năm kháng chiến chống Mỹ, đã từng có đơn vị bộ đội và một số cơ quan huyện Cẩm Thủy di dời đến khu vực an toàn là hang Ngân, cách suối cá thần chừng 500m. Khi biết có suối cá đông đúc, nhưng nghe người dân nói là cá thần, không ai dám ăn. Có hai người không tin vào điều đó đã bắt một chú cá về ăn. Sau đó thì hai người này chết mà không rõ nguyên nhân.
Còn mới đây có một chuyện đau lòng mà người kể khẳng định 100% là sự thật, chỉ có điều đó có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay bị thần linh phạt thì cũng không ai dám chắc. Đó là, vào năm 2008, có một đôi nam nữ người TP Thanh Hóa khi đến thăm suối cá đã bắt một chú cá lên bóp vào đầu, vào bụng cá. Trên đường về, cả hai đã  bị xe ôtô cán phải.
Không chỉ những câu chuyện kỳ lạ được truyền miệng mà thực tế ngay cả dòng chảy, nguồn nước, rồi đặc tính sinh sống của loài cá nơi đây cũng hết sức bí ẩn. Con suối chỉ rộng trung bình khoảng 5m, sâu chừng 60cm, nhưng quanh năm không bao giờ cạn nước. Điều kỳ lạ là, mặc dù suối là nơi sinh sống của đàn cá đông đúc hàng nghìn con nhưng nước luôn trong vắt như ngọc. Hơn nữa mặc dù con suối chảy ra sông Mã, song những con cá ở đây cũng chỉ bơi quanh quẩn ở phía hang núi chứ không bao giờ ra quá khu vực nơi có đền thờ Tứ Phủ Long Vương.
Sự bắt nguồn của dòng suối đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Trước đây, nhiều người đã thử đi xuống lòng hang sâu để tìm hiểu về sự bắt nguồn của suối cá. Họ đi theo một ngách hẹp, sâu trong lòng hang Cây Đăng, sau đó thả dây và đi xuống hang núi sâu.
Lòng hang là một không gian rộng lớn, nhưng tối đen, chỉ nghe phía xa tiếng chảy róc rách. Đoán đây là nơi bắt nguồn của con suối Ngọc với đàn cá thần, họ đã cho đổ dầu hỏa, sau đó là trấu xuống dòng nước. Nhưng kỳ lạ thay, bao nhiêu dầu rồi trấu đổ xuống đều biến mất không còn dấu vết và dòng suối chảy ra từ lòng núi vẫn trong vắt không một chút gợn.
Đã có nhiều nhà khoa học tìm về suối cá để tìm cách giải mã cho những bí ẩn xung quanh suối cá thần. Theo các nhà khoa học, loài cá ở suối cá Lương Ngọc chủ yếu là cá dốc, thân hình giống cá trắm, mồm giống cá trôi, vây đuôi giống cá chép, mình nhiều hoa văn, màu sắc. Loài này thuộc bộ cá chép, nằm trong sách đỏ Việt Nam. Sở dĩ loài cá này có chứa độc tố không thể ăn được bởi cá sống trong hang núi, rất có thể nguồn thức ăn là lá cây và các khoáng có trong lòng núi chứa nhiều độc tố. Nhưng đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về đặc tính của loài cá và phân tích thành phần của nguồn nước của suối để có thể lý giải về điều này.
Cũng có lần, các nhà khoa học đã thử đưa cá ở suối cá Lương Ngọc về nuôi ở một môi trường hoang dã giống với nơi đây. Tuy nhiên, một thời gian thì những con cá này biến mất. Cũng với thí nghiệm tương tự nhưng được làm ngược lại, họ đem một giống cá khác được đánh dấu cẩn thận thả vào suối cá Lương Ngọc thì một thời gian sau cũng không thấy tung tích những chú cá này đâu.
Quanh câu chuyện truyền thuyết về suối cá thần cũng có nhiều điểm chưa rõ ràng. Một số cụ cao niên trong làng Ngọc vẫn khẳng định, câu truyện truyền thuyết có từ thế kỷ XI, khi ngôi đền thờ Tứ Phủ Long Vương được xây dựng. Tuy nhiên, theo GS Lê Trường Phát, chuyên gia nghiên cứu về Văn học dân gian cho rằng: Không đủ cơ sở để kết luận câu truyện truyền thuyết này đã xuất hiện từ thế kỷ XI. Hơn nữa GS cũng khẳng định: truyền thuyết thường xuất hiện để lý tưởng hóa một nhân vật lịch sử, hay một địa danh đã có từ trước đó. Do vậy, câu chuyện này chắc chắn chỉ mới xuất hiện chưa lâu.
Về ngôi đền thờ Tứ Phủ Long Vương, cứ mỗi lần dựng lên là một lần ngôi đền bị giông tố kéo theo cây cổ thụ đổ hoặc đá núi lăn xuống đè bẹp. Các đạo sắc phong cũng theo những ngôi đền trước đó đã được xây dựng mà nằm vùi dưới lớp đá. Ngôi đền bị đá núi vùi lấp gần đây nhất là vào năm 1958. Gần đây, ngôi đền mới được nhân dân phục dựng được đặt nằm cách xa chân núi và xây kiên cố hơn.
Theo lời kể của các cụ cao niên, thì hàng năm cứ vào đầu năm mới, người dân lại bắt một con cá để cúng thần linh. Việc bắt cá cũng được tiến hành hết sức thiêng liêng. Một cụ cao niên nhất làng sẽ ăn vận lễ phục, thả một cái giỏ xuống suối, khi con cá nào tự chui vào là con cá đó đã được thần linh chọn hiến mình. Sau khi đưa cá lên và cúng tế thần linh, nhân dân sẽ mở hội, cầu xin thần linh mùa màng tươi tốt. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã cho phép nhân dân mở lễ hội vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm tại suối cá.
Theo sự chỉ dẫn của Mai (cô gái Mường đã đưa tôi khám phá dấu tích của đề thờ Tứ Phủ Long Vương ở kỳ trước), tôi tò mò muốn khám phá lòng hang và đường xuống hang cá. Mai lại đưa tôi leo gần 200 bậc đá lên đến động Cây Đăng. Bước vào lòng hang và thực sự bị choáng ngợp trước không gian đẹp lung linh kỳ ảo của hang động. Vòm hang rộng lớn với những khối nhũ đá trong hang kỳ vĩ và lóng lánh ánh bạc.

Lần mò một hồi với chiếc đèn pin vừa đủ sáng để thấy đường. Mai đưa tôi đến một ngách sâu đen hun hút và nói đây là con đường duy nhất dẫn xuống đầu nguồn của suối cá sâu trong lòng núi. Cảm giác hơi lạnh từ dưới ngách sâu phả vào mặt với một màu tối đen khiến tôi rờn rợn. Khi ngỏ ý tìm một người dẫn tôi xuống lòng núi, Mai ngăn lại. Con đường duy nhất này rất nguy hiểm, tối đen và rất sâu vì thế đã được người dân bịt lại để tránh nguy hiểm cho khách du lịch khi vào thăm quan hang động.

Thấy tôi tiếc nuối vì không được mục sở thị lòng hang, Mai đưa tôi xuyên lòng núi đi ra cửa bên của động Cây Đăng. Cửa ra của động này được tiếp nối bởi một hang động khác. Hang này được gọi là hang Dơi. Mai nói lòng hang này rất sâu, nhiều ngóc ngách nguy hiểm.
Nhiều lần đã có các đoàn thám hiểm nghiệp dư về đây nhưng vì hang sâu, tối, lại yếm khí rất khó thể nên chưa ai đi được hết hang. Trong lòng hang cũng phát hiện dấu vết của người xưa trú ngụ với nhiều mảnh gốm vỡ. Tuy nhiên do hang này rất nguy hiểm nên nhân dân đã đặt vách ngăn tránh những điều đáng tiếc đối với khách du lịch khi tò mò vào hang.
Xuyên qua rừng về đến chân suối cá thì trời sập tối. Chia tay cô gái Mường bên dòng suối Ngọc xinh đẹp với nhiều bí ẩn còn chưa được giải mã, tôi thực sự luyến tiếc khi chưa khám phá hết những điều kỳ thú nơi núi rừng nguyên sơ.
Văn Văn

Vẻ đẹp hoang sơ của suối cá Thần Cẩm Thủy
 
Suối cá thần có dòng nước trong vắt, dài khoảng vài chục mét, rộng chừng 3 m, chảy từ trong núi ra cửa hang rộng với mực nước thông thường sâu khoảng 30 - 50 cm.Suối cá thần nằm ở chân núi Trường Sinh thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Du khách có thể đến đây theo quốc lộ 217, nối từ Đò Lèn về cầu treo Cẩm Lương hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Cẩm Thủy rồi rẽ lên quốc lộ 217. Nếu đi theo đường thủy, du khách có thể dùng thuyền bơi dọc sông Mã, từ cầu Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) đến Cửa Hà, Cẩm Thủy.

Suối cá thần là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đây là nơi sinh sống của hàng nghìn con cá được người dân gọi là cá thần, tên chính là cá dốc. Loài cá này thuộc bộ cá chép, có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Mỗi con có trọng lượng 1 - 20 kg. Theo người dân ở đây thì cá chúa, nằm trong hang, có trọng lượng lên đến 30 kg. Cá thần có hình dáng rất lạ với hoa văn đa dạng, nhiều màu sắc phong phú như: đỏ, xanh, hồng. Mỗi khi loài cá này bơi, vây phát ra nhiều màu sắc lấp lánh ánh bạc trông rất ấn tượng và vui mắt.
Suối là nơi sinh sống của hàng nghìn con cá dốc, người dân gọi là cá thần.
Những hôm trời nắng ấm, đàn cá tung tăng bơi lội từ trong hang ra suối. Dân bản Ngọc và du khách quan niệm, đàn cá thần này mang lại cho họ cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc và sẽ là may mắn cho những ai được sờ vào người cá. Vì vậy, không ai dám bắt cá ăn thịt, trái lại còn hết sức chăm sóc bảo vệ.
Người dân bản Ngọc đi làm đồng thấy cá thần ngoài ruộng do lũ cuốn, lập tức nâng niu và mang về suối thả. Những chú cá thần ở đây rất thân thiện với con người, du khách có thể đưa tay xuống nước chạm vào người chúng vuốt ve và cho cá ăn rau, ngô, khoai, sắn… Suối cá thần là điểm du lịch khá hấp dẫn và đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Nhờ vẻ đẹp nguyên sơ, Suối cá thần được Nhà nước xếp hạng là một trong những cảnh đẹp cấp quốc gia.Trên đường đi vào Suối cá thần, du khách còn được chiêm ngưỡng những căn nhà sàn đơn sơ, mộc mạc của đồng bào dân tộc Mường nằm khuất bên sườn núi; chìm đắm trong một không gian yên bình của những dãy núi đá cao chót vót với nhiều hình hài kỳ thú nằm hai bên bờ sông Mã; tìm hiểu những phong tục, tập quán độc đáo của bà con dân tộc thiểu số nơi đây như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa pồn-pông…
Nhờ vẻ đẹp độc đáo, nguyên sơ, Suối cá thần đã được Nhà nước xếp hạng là một trong những cảnh đẹp quốc gia. 

 Thanh Hóa: hơn 7,2 tỉ đồng xây dựng làng văn hóa bên suối cá thần
Ngày 4-3, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt đã phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn và phát triển làng văn hóa truyền thống Lương Ngọc tại xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy - nơi có suối cá thần Cẩm Lương độc đáo.
Dự án bảo tồn hai lễ hội dân gian tiêu biểu là lễ khai hạ và lễ mừng cơm mới; các trò chơi dân gian; văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các dụng cụ sinh hoạt, trang phục, nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực Mường... Tại làng Lương Ngọc sẽ đầu tư xây dựng tụ điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao cộng đồng, tôn tạo bảo tồn 10 ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường...
Tổng diện tích đất để thực hiện dự án là 3.259,4m2, tổng vốn đầu tư là hơn 7,2 tỉ đồng.
Dự án nêu trên sẽ được triển khai từ năm 2009-2011 nhằm đưa khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương trở thành địa chỉ du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn của xứ Thanh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.  
 
Dự án khôi phục Làng Mường - Cẩm Lương
Với mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường làng Lương Ngọc; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 601/QĐ-UBND ngày 3/3/2009. Về việc phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn và phát triển làng văn hóa truyền thống Lương Ngọc tại xã Cẩm Lương - huyện Cẩm Thủy.
Dự án trên sẽ được triển khai trong 3 năm (từ 2009 đến 2011) do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất để thực hiện dự án là 3.259,4m2 với số vốn đầu tư hơn 7,2 tỷ đồng.
Dự án tập trung trọng điểm bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể, đầu tư xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm phục vụ công tác bảo tồn của dân tộc Mường.
Thu Thủy


Tiềm năng du lịch
Xã Cẩm Lương - Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá (thuộc tổng Lương Điền xưa) nằm xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã. Dãy núi đá vôi Trường Sinh như hình chiếc võng khổng lồ chạy suốt từ Bắc đến Đông, ôm gọn Cẩm Lương vào vòng lũng núi. Dòng sông Mã trong xanh như một dải lụa mềm trải suốt phía Tây Nam.

Cẩm Lương, cách huyện lỵ 10km, cách tỉnh lỵ 80km về phía Tây, cư dân tương đối ổn định, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Đến với xã Cẩm Lương, du khách không thể không tham quan suối cá Thần Làng Ngọc. Suối cá xuất phát từ mạch nước trong ngọn núi đá vôi Bồ Um, thuộc dãy núi Trường Sinh. Đến nay, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu chính xác về nguồn gốc của suối cá cũng như những hiện tượng về đàn cá.

Khác với những dòng suối thông thường khác, suối chỉ dài trên 150m, có một đàn cá tự nhiên với hàng ngàn con sinh sống từ bao đời nay. Nhân dân quen gọi đây là Vó cá thần hay suối cá Thần, tất cả tên gọi này đều bắt nguồn từ truyền thuyết về Thần Rắn:

Xưa có 2 vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Vợ chồng hàng ngày ra thửa ruộng bên cạnh suối vừa khơi nước trồng lúa vừa xúc cá bắt ốc về làm thức ăn. Một hôm bà xúc được một quả trứng lạ. Nhiều lần xúc được lại thả xuống nước, nhưng xúc lần nào thì quả trứng lạ ấy vẫn cứ thấy nằm trong rổ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm nghe tiếng gà cục tác bà vợ ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng sợ, người chồng mang rắn con ra suối Ngọc để thả, nhưng cứ thả thì tối tối rắn lại trở về nhà. Dần dần rắn sống tại gia đình thân quen như những con vật nuôi khác. Từ khi có rắn ở trong nhà, đồng ruộng có đủ nước để cày cấy, đời sống trong vùng ấm no hạnh phúc vì không còn cảnh hạn hán kéo dài. Chàng rắn sống với gia đình và làng bản trong cảnh thái bình, no ấm.

Trải qua năm tháng, chàng rắn đã to bằng ống vác nước, cứ trưa trưa lại lên xà nhà nằm. Bỗng một đêm trời mưa to gió cả sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng rắn chết dạt vào chân núi Trường Sinh (vị trí đền thờ hiện nay). Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Dân làng được thần linh cho biết: Chàng chết vì đã đánh nhau với thuỷ quái về phá hoại bản làng và chàng đã được thượng đế phong Thần hiệu 'Tứ Phủ Long Vương'.

Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ, có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về chầu và nhân dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc, cũng như quen gọi cá thần từ đó.

Ngay bên tả ngạn của Suối cá Thần, hiện nay vẫn còn lại nền móng của ngôi đền cổ, đó là đền Ngọc. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ XI, có các đạo sắc: 2 đạo sắc thời Lê và 1 đạo sắc vào thời Vĩnh Tộ và thời Cảnh Hưng, 1 đạo sắc vào thời Nguyễn của vua Khải Định năm thứ 8 (1924). Đền đã nhiều lần được trùng tu lại, lần trùng tu mới nhất vào năm 1928. Trải qua mưa ngàn gió núi, đền đã bị sập vào năm 1962, hiện nay chỉ còn lại nền móng.

Theo nhân dân trong vùng kể lại, đàn cá có những con nặng tới 30kg, ngày thường không chui ra khỏi hang, mà chỉ khi mùa nước lớn, người dân mới thấy cá ra nhưng rồi lại vào ngay. Nước trong suối không bao giờ cạn, mực nước nơi sâu nhất vào mùa mưa từ chỉ từ 50 – 80cm, điều kỳ lạ là với hàng ngàn con cá sinh sống trong dòng suối chỉ dài chừng 150m nhưng nước suối quanh năm trong như ngọc, không hề bị ô nhiễm hay bụi bẩn. Những ngày thường đàn cá ở đây rất gần gũi với người và người dân nơi đây cũng không bao giờ ăn thịt cá, có những câu chuyện người ăn cá suối Ngọc đã bị thần linh bắt chết. Chỉ những ngày tế lễ “Tứ phủ Long Vương” thì dân làng xin thần được thả xúc, con nào tự chui vào xúc có nghĩa là con cá ấy tự dâng mình cho thần thì làng mới cử người mang về làm thịt tế thần linh. Lệ này đã có từ xưa, cho đến ngày nay vẫn còn duy trì.

Từ đầu nguồn suối Ngọc leo lên dãy núi Trường Sinh, đường đi gấp khúc theo hình bậc đá, dễ dàng cho du khách tham quan danh thắng. Trên đường, du khách vừa đi vừa gạt lá để mở đường, hai bên đường là những loại cây của khu rừng già, nhiều tầng cây rợp bóng, khó có thể thống kê hết. Các loại cây đang tồn tại ở dãy núi Trường Sinh là những cây đền (họ tre) to cao, lóng dài dân vùng lấy về làm hông đồ xôi, có những cây đăng (họ sồi) cao chọc trời, thân hàng mấy người ôm.

Từ chân núi đi lên khoảng 200m, là gặp cửa động Đăng rộng mở đón du khách. Vòm cửa động cao 7m, rộng 8m, lối vào cửa thoáng rộng dễ đi. Bước vào cửa động du khách sẽ gặp một bước bức tranh bồng lai tự nhiên đập vào mắt, những suối thạch nhũ nhiều mầu từ vách động, vòm động rũ xuống. Thạch nhũ ở đây có lẫn những tinh thể của cát, của các loại khoáng chất, cho nên phát sáng giống như những khối kim cương khổng lồ ôm lấy vòm động. Động Đăng cao ráo rộng rãi, sạch sẽ.


Những mảng thạch nhũ kỳ lạ lát kín vách động và vòm hang, do thạch nhũ tự nhiên cấu trúc có hình thể kỳ lạ, du khách giầu trí tưởng tượng, hẳn sẽ xây dựng được những huyền tích thú vị theo mỗi bước chân.
Đã từ lâu, nhân dân địa phương đặt tên cho những cột thạch nhũ tiêu biểu nhưng rất giống với những hình thể sự thật cốt truyện. Tượng “Hạnh phúc” là cột nhũ như đôi trai gái đang đứng ôm hôn nhau thắm thiết, suối tóc cô gái để dài xuống lưng và tràn xuống gót; Tượng nhũ “Mẹ con” giống hệt một người mẹ trẻ tràn đầy sinh lực đang cõng một đứa con mập mạp; Kho lúa, từng tảng nhũ như những bó lúa chảy tràn tầng tầng lớp lớp từ vòm động đến các vách hang; Nhũ búa trời như một quả phật thủ nặng ngàn cân treo lơ lửng trên vòm động như sẵn sàng thực hiện công lý của trời đất … Những cảnh kỳ ảo trong lòng động không ai có thể tả hết. Từ động Đăng đến động Đắng có những bức tranh toàn mỹ bằng chất liệu nhũ đá cuốn hút lòng người.

Những năm gần đây, môi trường tự nhiên đã và đang bị con người tàn phá làm ảnh hưởng đến không chỉ cuộc sống của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều các loài động, thực vật. Thế mà làng Ngọc vẫn còn một suối cá tự nhiên độc nhất vô nhị của đất nước. Điều đó càng minh chứng cho ý thức trách nhiệm của người dân nơi đây, cũng như các ngành hữu quan để suối cá thần Cẩm Lương trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong cả nước về sự độc đáo và nguyên sơ của 
( Sưu tầm )

Thanh Hóa phát hiện có ba suối cá Thần
Lại một suối “cá thần” nữa vừa được phát hiện tại huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Như vậy đến nay, tại Thanh Hoá đã có ba suối “cá thần” được phát hiện (1 suối ở Bá Thước, 2 suối ở Cẩm Thủy) và cả ba đều có những nét tương đồng rất kỳ lạ.

Hai huyện ba suối cá thần
Một suối “cá thần” mới được phát hiện nằm trên địa bàn sinh sống của người dân tộc Thái, thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Đây là suối “cá thần” thứ ba được phát hiện trên địa bàn tỉnh
Suối cá Thần thứ nhất

Người dân trong thôn cho biết suối cá đã có từ rất lâu đời, không ai dám đánh bắt vì họ cho rằng đây là “cá thần”. Đàn cá ở đây rất đông với đầy đủ kích cỡ, con lớn nặng từ 4 - 5kg, con nhỏ chừng 400 g. Người dân đã lập bàn thờ trong hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10 m để thờ thần cá.
Được biết, suối cá này là nơi cung cấp nguồn nước chính cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong thôn, vì vậy thôn đã xây đập chắn ngang suối, vừa là để giữ cá ở lại vừa là để cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Hằng ngày, người dân nơi đây và những du khách gần xa vẫn thường hay đến thăm suối và mang thức ăn cho cá.
Từ thành phố Thanh Hoá đi dọc theo quốc lộ 217 khoảng 70 km là đến huyện Cẩm Thuỷ. Đây là nơi hai suối "cá thần" khác được phát hiện trước đó. Một trong hai suối nằm ở làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương; suối kia ở thôn Dùng, xã Cẩm Liên.

Suối cá Thần thứ hai

Nét tương đồng giữa ba suối cá
Khi được hỏi về lịch sử tồn tại và phát triển của các suối cá này, người dân địa phương không một ai hay biết. Ngay cả người cao tuổi nhất làng khi được hỏi cũng trả lời: “Tôi sinh ra thì đã có suối cá rồi. Các cụ thân sinh ra tôi cũng không hề biết suối cá có từ bao giờ”.
Chính vì không biết chính xác lịch sử của suối cá nên luôn có những câu chuyện thần thoại ly kỳ, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của người dân trong vùng, gắn liền với các suối cá. Những câu chuyện ấy nhằm giải thích về sự xuất hiện của suối “cá thần”, mang đậm giá trị tâm linh.
Ba suối cá đều là con suối tự nhiên chứ không phải do con người tạo ra. Các suối cá này đều nằm dưới chân một ngon núi cao, phía trong là một hang ngầm, là nơi để đàn cá vào nghỉ ngơi. Cửa hang rất hẹp, chỉ đủ cho đàn cá ra vào. Không một ai biết trong lòng hang rộng hẹp thế nào và bắt nguồn từ đâu? Liệu trong hang có con cá “hàng khủng” nào trú ngụ không?

Suối cá Thần thứ ba


Phía trên các suối cá đều có một hang động rất đẹp, nhân dân trong vùng coi đó là nơi ở của “thần cá”. Ở suối cá thứ nhất là Động Đăng, ở suối cá thứ hai là Động Nghỉ Mát (vì động này là nơi rất nhiều người dân trong vùng lên nghỉ mát vào những ngày hè) và ở suối cá thứ ba là Động Cá Thần (trong hang động này người dân lập bàn thờ để thờ “thần cá”).
Đàn cá ở cả ba suối cá là cùng loài với nhau, người dân trong vùng đều coi đó là loại “cá thần”, không một ai đánh bắt hay ăn thịt. Họ coi đàn cá như vị thần luôn phù hộ, giúp dân làng có cuộc sống ấm no.
Từ sự tương đồng của ba suối “cá thần” này, nhân dân trong vùng đặt câu hỏi: Ba suối cá này có mối liên hệ gì với nhau hay không? Liệu có thêm suối “cá thần” thứ tư ở Thanh Hóa? Điều kiện môi trường ở những nơi đó như thế nào để có thể sản sinh ra đàn cá đông đúc như vậy? Những dấu hỏi trên rất cần câu trả lời thỏa đáng từ các nhà nghiên cứu.
Theo Dân Trí


(TT&VH Online) -Được biết Thanh Hoá là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh kì thú, những khu du lịch nổi tiếng như biển Sầm Sơn, rừng quốc gia Bến En, Thành Nhà Hồ, nhưng nếu chưa đến thăm suối cá thần, chưa được chiêm ngưỡng phong cảnh tự nhiên kì thú này thì quả là điều đáng tiếc. Ai đó có thể được nghe kể lại, hoặc qua những bức ảnh chụp, hay những thước phim camera…cũng khó làm cho ta cảm nhận đầy đủ về sự hấp dẫn của suối cá thần đã hàng ngàn năm gắn với đồng bào bản địa.

Cầu treo bắc qua sông Mã

Vượt qua hàng ngàn km đoàn chúng tôi đến được thành phố Thanh Hoá. Trung tâm thành phố Thanh Hoá, theo quốc lộ 217 về hướng Tây cách khoảng gần 90 km, du khách tha hồ được chiêm ngưỡng suối cá thần tại địa bàn bản Ngọc (làng Ngọc), xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. Suối cá đã có hàng ngàn năm nay bên dưới chân núi Trường Sinh. Mặc dù đang là mùa lũ nhưng suối cá thần không thể kém đi cái vẻ đẹp kì bí - Một cảnh đẹp mà thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước bởi nét độc đáo, hoang sơ - suối cá thần đã được Nhà nước xếp vào một trong những cảnh đẹp Việt Nam.

Sự tích suối cá thần
“Ngày xưa, đã từ bao giờ cũng không còn khẳng định được thời gian, có thể nói nơi bản Ngọc thời kì khai thiên, lập địa, vào một năm nọ thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, mất mùa quanh năm, người dân vô cùng túng khó. Một hôm hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con, đi làm đồng về và nhặt được quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nhưng quả trứng không chịu rời khỏi tay. Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng về nhà đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng lại nở ra một con rắn. Sợ quá người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả nhưng đến tối con rắn lại bò về gia đình vợ chồng này. Sau đó họ quyết định để con rắn ở lại cùng với gia đình. Thật bất ngờ từ đó đồng ruộng, hoa màu luôn tốt tươi, nước nôi thoả mái, đời sống nhân dân ấm no. Và chàng rắn này đã trở thành vị cứu tinh và mọi người tôn sùng. Nhưng đến một hôm trời nổi giông, bão, sấm chớp. Sau cơn giông bão mọi người thấy xác rắn nằm bên núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc. Thương tiếc cho chàng rắn, mọi người đem xác chôn dưới chân núi Trường Sinh và lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng là rắn chết do quyết chiến với thuỷ quái và kết quả thuỷ quái thất bại, dù giữ được bản nhưng chàng rắn phải gửi lại xác của mình. Từ đó ở suối Ngọc dưới chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần luôn quây quần trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn…” Đứng bên này sông trên đường vào suối cá thần, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên, làng bản. Trước hết bởi chiếc cầu treo hiện đại bắc qua dòng sông Mã đã đưa vào sử dụng. Bên dưới cầu là dòng nước trong vắt, chiếc cầu treo như hình con thoi uốn lượn. Từ trên cầu, du khách có thể được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những dãy núi đá cao vút nằm bên bờ sông với nhiều hình dáng đầy sức tưởng tượng của tự nhiên ban tặng, mỗi dãy núi có độ cao, hình hài khác nhau, với danh tính rất mực gần gũi, như núi Thằn lằn, núi con Cò…thật lạ kì. Nếu như chúng ta thích được cảm giác mát của dòng sông chúng ta có thể đi trên những con đò của người dân bản xứ, dòng sông chảy xiết càng làm cho tâm trạng của chúng ta rạo rực bồi hồi nhưng đầy chất lãng mạn quê hương, làng bản. Qua sông Mã, khoảng 4 km nơi đó chính là suối cá thần. Khi du khách được tận mục sở thị về hình ảnh của suối cá thần ta không thể không ngỡ ngàng với vẻ đẹp của cá. Hình ảnh đàn cá Thần sẽ làm cho bất kì du khách nào cùng phải ngạc nhiên bởi sự tò mò đầy quyến rũ.

Theo lời kể của người dân địa phương những người cao tuổi thì suối cá thần đã có từ lâu đời không ai biết, chỉ biết rằng đấy là vật được mọi người tôn kính và thờ chúng để cuộc sống bình an… Cụ Trương, nay đã 83 tuổi, người gốc bản xứ kể rằng: “Đàn cá được sinh ra trong những hang động bí ẩn, cá Thần ở đây là vật linh thiêng, do vậy không ai được bắt hoặc ăn thịt cá”. Có câu truyện đồn rằng: Khi xưa một người xa xứ ăn trộm cá thần, khi trên đường về ông đã bị đột tử và cả nhà ông, con cái người thì chết trẻ, người thì bị què quặt… Từ đó mà mọi người càng tôn sùng những chú cá Thần của mình, họ thường chăm sóc, nuôi nấng, chiều chuộng hết sức chu đáo những chú cá. Nhưng cái kì lạ ở đây làm cho mọi người phải tò mò, chú ý, đó là chỉ với một dòng nước từ một hốc đá ngầm chảy từ chân núi có tới hàng ngàn, hàng vạn chú cá nối đuôi bơi ra, bơi vào. Hơn nữa những chú cá Thần không giống với những cá bình thường, hình cá chép, môi đỏ rực, có khuyên tai to lộ rõ, thân cá màu đỏ hồng. Nếu như du khách đến vào mùa nước cạn (thường vào mùa Đông) ta được chiêm ngưỡng phần lớn hình dạng của cá, mặt nước chỉ chừng 20 - 40 cm, cá lộ rõ phần bụng và phần trên của cá. Mỗi khi bơi cá phát sáng nhiều màu lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt. Du khách cũng có thể vuốt ve thân hình của cá làm chúng thích thú, tuy nhiên không được bắt cá lên khỏi mặt nước…Cá rất thân thiện với con người. Mỗi khi đồng bào ra suối Ngọc rửa rau, vo gạo ai cũng nhớ thả cho cá một ít rau cỏ, ít gạo, lạc rang… Bên trên suối cá là một hang động, nơi đó chúng ta có thể thắp hương để “cầu” “thần” cá phù hộ điềm tốt lành. Trong hang, cũng là một khung cảnh tự nhiên tuyệt đẹp, du khách tha hồ chiêm ngưỡng chúng, những nhũ đá nhô ra theo những hình dạng khách nhau, màu sắc khác nhau. Đặc biệt là có một đội ngũ hướng dẫn viên nhí chuyên nghiệp địa phương, họ sẽ giới thiệu với chúng ta những gì mà chúng ta yêu cầu, có thể không khoa học nhưng cũng có những giải thích mà làm cho chúng ta cảm giác thú vị và thoả mãn… Bên cạnh là dãy núi còn được giữ khá nguyên vẹn của hệ thống rừng nguyên sinh với các động thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới. Còn đối với người dân thì thực sự thân thiệt, mộc mạc và thánh thiện vô cùng, họ sẵn sàng cho du khách tạm trú qua đêm mà không mất một khoản lệ phí nào. Họ vẫn còn lưu giữ những nét văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông, đặc biệt là nét văn hoá sinh hoạt đặc sắc của đồng bào Mường mà chỉ có duy nhất ở đây có, chính là những tục lễ cưới hỏi…Chính vì vậy, đó là những nét mà thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan.



Suối cá thần phải chăng chỉ là chuyện hư cấu của người dân bản địa? Nhưng những bí ẩn vẫn còn đó, chúng ta hãy đến và tìm hiểu một lần các bạn sẽ cảm thấy mình nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn và sẽ có nhiều điều mới lạ sẽ đến với bạn. Hy vọng suối cá thần sẽ tạo nên cả một quần thể du lịch cực kì hấp dẫn, độc đáo bên dưới núi Trường Sinh hùng vĩ. Chúng tôi chỉ mong rằng Nhà nước sẽ đầu tư nhiều hơn nữa làm cho suối cá thần trở thành khu du lịch nổi tiếng thu hút khách trong và ngoài nước, thực sự trở thành một trong những cảnh đẹp của làng cảnh đẹp Việt Nam.
Lê Phạm Phương Lan (Đồng Nai )



Một ngày ở suối cá “thần” Cẩm Lương - Thanh Hóa

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đặt chân đến suối Ngọc là đàn cá với số lượng hàng ngàn con chen chúc nhau trong lòng con suối hẹp chừng vài mét. Chúng thản nhiên bơi lội trước ánh mắt hiếu kỳ của khách tham quan và tranh nhau ăn mỗi khi có người nào vứt xuống vài cọng rau muống... Từ huyện lỵ Cẩm Thuỷ đi khoảng 10 km theo con đường mới được trải nhựa, du khách sẽ đến với xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy (Thanh Hoá). Đây là nơi có đàn cá sống ở dòng suối Ngọc nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc - được đồng bào dân tộc Mường ở đây gọi với cái tên đầy huyền bí: Cá “thần”. Dòng suối Ngọc bắt nguồn từ trong lòng núi Trường Sinh qua một cửa hang hẹp vừa một người chui lọt. Đây cũng chính là đường mà đàn cá buổi sáng bơi ra dòng suối và chiều tối lại trở về trong lòng núi. Chẳng ai rõ đàn cá sinh sống ở suối Ngọc có tự bao giờ. Cụ Bến - một cụ bà người Mường đã trên 80 tuổi, gắn bó cả đời với mảnh đất này - cũng chỉ biết rằng từ lâu lắm rồi, có lẽ là từ khi con người đặt chân tới đây đã có suối cá “thần” rồi. Theo các nhà khoa học, những con cá sinh sống ở suối Ngọc gồm các loài cá dốc, cá chài, cá mại... Còn đối với những người dân sống ở đây, họ chỉ gọi đơn giản những con cá sống ở đây là... cá “thần”. Dưới dòng nước suối trong vắt có thể dễ dàng nhìn thấy hàng ngàn con cá có hình thù khá lạ mắt: thân nhìn tựa cá trắm, với vây và miệng màu hồng, có con màu xanh... Những con lớn nhất nặng dễ đến cả chục cân cùng những con cá nhỏ bơi thành đàn uốn lượn trông rất vui mắt. Vì sao người dân địa phương lại tôn thờ và bảo vệ đàn cá đến vậy và vì sao cuộc sống của họ vẫn còn nhiều nghèo khó, nhưng không bao giờ họ bắt cá để ăn hay mang đi bán? Điều này có lẽ xuất phát từ một truyền thuyết địa phương kể lại rằng: điều bất hạnh sẽ xảy ra với những ai dám làm hại những con cá đang sống ở đây. Chẳng thế mà nếu vào những hôm nước suối lớn, một số con cá lạc ra ngoài ruộng, người dân cũng bắt mang về thả lại vào dòng suối. Một đặc điểm nữa cũng khiến cho đàn cá ở đây trở nên linh thiêng là hàng trăm năm nay, chưa một ai chứng kiến một con cá nào chết và số lượng của chúng dường như mỗi ngày một thêm đông. Những con cá sống ở đây có vẻ như đã quá quen với sự xuất hiện của con người, thản nhiên bơi lội trước ánh mắt hiếu kỳ của khách tham quan và tranh nhau ăn mỗi khi có người nào vứt xuống vài cọng rau muống. Nằm ngay cạnh suối Ngọc là đền thờ Thần Rắn linh thiêng, tương truyền đây là vị thần che chở cho đàn cá. Bên cạnh đó còn có động Cây Ðăng rất đẹp với những nhũ đá thiên tạo mang nhiều hình thù khác nhau. Ngoài ra, Cẩm Lương hiện là nơi còn giữ được gần như nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Đây là điều kiện lý tưởng để Cẩm Lương phát triển hình thức du lịch sinh thái, du lịch khám phá bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Mường với những nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông... Vài năm trở lại đây, khi thông tin về suối cá kỳ lạ này được truyền đi, mỗi năm nơi đây đã thu hút được hàng ngàn du khách đến tham quan. Cũng chính nhờ suối cá này, đồng bào dân tộc Mường vốn chỉ quen với công việc đồng áng và săn bắn đã biết tận dụng lợi thế này để làm kinh tế. Họ bày bán những bức ảnh chụp suối cá, các bộ trang phục dân tộc bằng thổ cẩm, cơm lam, rượu cần... cho du khách. Một người dân nơi đây cho biết đời sống của họ cũng được cải thiện chút ít. Phải chăng đó cũng là một sự trả công cho những người dân đã bảo vệ và chăm sóc đàn cá? Suối cá Cẩm Lương đang được nhiều thế hệ người dân địa phương gìn giữ và bảo vệ. Cùng với việc cầu treo Cẩm Lương nối quốc lộ 217 với đường vào suối cá thần được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhiều doanh nghiệp đang có dự định đầu tư khai thác khu vực này cho mục đích du lịch.
(Nguồn: VOV)


Thanh Hóa: Ô nhiễm tại "Suối cá thần"

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm về làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) để được chiêm ngưỡng "cá thần" (cá giốc). Song hiện nay tại "Suối cá thần" tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm, rác thải đổ bừa bãi là điều đáng báo động.
Mặc dù huyện Cẩm Thuỷ đã thành lập Ban quản lý khu du lịch "Suối cá thần" (BQLSC), song hầu như mọi hoạt động vẫn mang tính tự phát, chưa đi vào nền nếp. Do đó, nhiều du khách vô ý đã xả rác bừa bãi ra dọc lối đi. Bất chấp lời cảnh báo của một nhân viên chuyên cầm loa tay thông báo mọi người không nên đến quá gần chỗ cá bơi lội và không được sờ vào cá, nhưng nhiều du khách vẫn làm ngơ. Mỗi lúc có người nào đó thò tay xuống nước, ngay lập tức cả đàn cá hàng trăm con có hình thù rất đẹp với lớp vảy phía trên lưng màu sẫm tựa như rêu đá, thân hình khá giống loài trắm sông, lưng và vây có chấm đỏ, môi phớt hồng vùng vẫy tháo chạy vào hang để lại làn nước ngầu đục rất bẩn. Đang là thời điểm nguồn nước từ trong lòng núi chảy ra rất ít, nên lòng suối khá cạn, đàn cá ra vào hang khó khăn.Chính vì vậy, BQLSC đã cho đắp kín miệng cống ở phía cuối con suối nhằm giữ nguồn sinh thuỷ cho cá bơi ra giữ nước cho người dân Lương Ngọc sinh hoạt. Việc bịt cống đã vô tình biến "Suối cá thần" trở thành một cái ao tù. Qua quan sát cho thấy, khi không có ai quấy quả đến đàn cá thì cũng chỉ còn nguồn nước ở gần sát cửa khe núi Trường Sinh là trong xanh, ngược xuống phía dưới khoảng 50m, cả một hồ nước rộng nhưng chứa đầy bùn và ngầu đục.Ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương - tỏ ra rất lo lắng đối với sự tồn tại của "Suối cá thần" do tạo hoá đã ban tặng cho con người. Theo ông Lợi khẳng định, suối cá khi đang còn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương, vào mỗi buổi chiều tối lúc cá vào hết trong hang là cho lực lượng bảo vệ xuống dùng cào sục bùn đất lên, mở cửa cống cho nước bẩn thoát hết ra đồng tưới lúa. Đến 2 giờ sáng lại cho người ra đóng cửa cống để giữ nguồn nước đảm bảo cho cá "sinh hoạt". Nguồn rác thải cũng được thu gom hàng ngày sau đó đổ vào hố tẩm xăng đốt để đảm bảo vệ sinh môi trường. Bây giờ thì BQLSC gần như làm ngược lại. Ông Nguyễn Văn Phương - cán bộ BQLSC - cho biết: BQL được thành lập và tiếp quản suối cá từ tháng 1.2008. Ngay sau khi đi vào hoạt động, các vấn đề thực hiện thu chi tổ chức rất chặt chẽ. Nếu như trước đây, huyện Cẩm Thuỷ giao khoán cho xã Cẩm Lương mỗi năm thu 400 triệu đồng thì chỉ trong quý I/2008, Ban quản lý suối cá đã thu được 370 triệu đồng. Về nguồn nước ô nhiễm và rác thải đổ bừa bãi, ông Phương thoái thác: "Nước suối đục là do lượng khách đến quá đông, thả nhiều thức ăn đã cấm như mì tôm, bỏng ngô, rau, lạc… xuống. Ban quản lý không có đủ lực lượng để theo dõi được du khách. Về rác thải được Ban quản lý cho tập hợp rồi chở đổ trong chân đồi nhưng đã có sự đồng ý của chủ hộ khu đất". Song ông Phương cũng đã thừa nhận "mỗi tháng BQL mới cho làm vệ sinh lòng suối một lần". Sẽ chẳng mấy du khách tìm về Lương Ngọc nếu nơi đây không có "Suối cá thần". Muốn giữ được suối cá, muốn khai thác du lịch để phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương trước tiên phải giữ được rừng, đảm bảo nguồn nước và phải chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường.


Khu du lịch suối cá Cẩm Lương
Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương (Thanh Hóa) thu hút gần 8.000 lượt khách đến tham quan
Trên địa bàn huyện Cẩm Thủy hiện có 5 di tích và danh lam thắng cảnh, trong đó nổi tiếng nhất là suối cá thần làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cầu treo bắc qua sông Mã được đưa vào sử dụng đã kéo theo hệ thống dịch vụ ăn uống, lưu trú, nghề dệt thổ cẩm bán cho du khách làm quà lưu niệm phát triển. An ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng được địa phương quan tâm.Hằng ngày, khu du lịch luôn có 5-6 người làm nhiệm vụ quét dọn và bảo vệ môi trường, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở khách du lịch chấp hành nghiêm các nội quy, quy định, tạo ấn tượng tốt đối với du khách khi đến tham quan. Từ đầu năm 2008 đến nay, Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương đã thu hút khoảng 8.000 lượt khách đến tham quan (trong đó có khoảng 300 lượt khách nước ngoài), tăng hơn so với năm 2007 khoảng 3.500 lượt khách. Tổng thu ngân sách từ du lịch ước đạt gần 1 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2007. Từ phát triển du lịch, xã Cẩm Lương đã giải quyết việc làm cho gần 300 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.


Cá suối Ngọc và những "câu chuyện thần bí"

 Ở suối Ngọc (Cẩm Lương, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) có một loại cá lạ được dân địa phương gọi là cá Dốc. Theo lời đồn của người dân nơi đây, những câu chuyện "thần bí" gắn liền với cá Dốc khiến chẳng ai dám bắt hoặc ăn thịt chúng bởi sẽ... gặp tai ương.

Không ai dám ăn thịt cá Dốc.Không ai biết chính xác cá Dốc suối Ngọc có từ bao giờ nhưng những tin đồn liên quan đến loài cá này gần đây ngày một nhiều hơn. Dư luận địa phương xôn xao, rất nhiều người ở nơi khác thì kéo đến để "mục sở thị". Loài cá thì ngày càng sinh sôi... trong một môi trường chỉ có nước trong vắt và sỏi đá.
Đi xem cá ''thần''"Các chú đến suối cá thần à, cứ đi thẳng, còn xa lắm. Này, đến đấy phải hết sức cẩn thận, không được ăn nói bừa bãi và nhất là không được đụng đến cá đâu. Nhiều người đùa nghịch cá đã chết rồi đấy...". Một chị bán hàng chỉ dẫn khi chúng tôi hỏi thăm đường đến suối Ngọc xem cá. Những câu chuyện đồn thổi, những lời rỉ tai như thế này đã từ lâu lan truyền đến khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các vùng lân cận. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy xôn xao bàn tán về suối cá thần và họ cũng chỉ mơ hồ về cái điều "linh" đó qua người nọ người kia.
Vượt qua quãng đường gần 100km từ TP. Thanh Hoá, chúng tôi đã tìm được đến suối cá Ngọc. Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng, suối cá không phải là một khu du lịch được đầu tư xây dựng quy mô mà chỉ là một đoạn suối với dáng vẻ hoang sơ của vùng bán sơn địa này. Trước mặt chúng tôi là một con suối chỉ dài khoảng vài chục mét, dưới làn nước trong vắt, đàn cá có đến vài trăm con đang bơi lội tung tăng. Dưới suối mọi người vẫn tắm giặt, trẻ em đùa giỡn mặc dù trên bờ khách tham quan vẫn chiêm ngưỡng loài cá này với thái độ "cung kính"...
Chúng tôi gặp bác Phạm Văn Hào 60 tuổi ở làng Ngọc khi bác vừa đi làm về. Ngâm mình trong làn nước mát, bác vui vẻ cho biết: "Chúng tôi cũng không rõ suối cá này có từ bao giờ nhưng nghe ông bà kể lại thì nó thiêng lắm. Nhưng các anh thấy đấy, mọi người trong làng vẫn bình thường, vẫn ra suối tắm giặt, thậm chí ngày trước chúng tôi còn lấy nước suối về ăn mà cũng có sao đâu...". Bác cười hiền lành rồi mời chúng tôi về nhà chơi. Bác kể: "Từ trước tới nay dân làng chúng tôi chẳng ai bắt cá này ăn. Mọi người trong làng vẫn coi cá như bạn, có những năm hạn hán nước không chảy ra được, chúng tôi đi lên động rồi chui xuống hang trong núi để tát nước ra suối...". Ðầu nguồn con suối là một cái hang có đường kính khoảng 30cm, nước chảy ra suốt ngày đêm, những chú "cá thần" nơi đây vẫn lượn lờ. Ðiều lạ là cá ở suối này không bao giờ bơi ra khỏi suối (trừ trường hợp lũ lụt mới có một vài con bị trôi dạt ra sông). Trong lòng núi còn có một hồ nước diện tích ước khoảng 500m2 với mật độ cá dày đặc. Từ khi khách đến tham quan ngày một đông, chính quyền xã sợ ô nhiễm nguồn nước đã tạm thời lấp cửa hang lại chỉ để cho khách tham quan không được xuống dưới hồ xem cá.
Song, đó cũng không phải là tất cả những gì mà khách tham quan muốn chiêm ngưỡng mà họ đến đây để thoả mãn sự hiếu kỳ và tính tò mò. Chị Nguyễn Thị Hương ở TP. Thanh Hoá cho biết: "Nghe mọi người đồn là cá ở đây thiêng lắm nên mấy chị em tôi lên đây để được chứng kiến tận mắt xem hình thù con cá như thế nào...". Khi tìm hiểu những thông tin đồn thổi về suối cá thần, ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương - cho biết: "Cách đây 3 năm, có mấy thanh niên từ TP. Thanh Hoá đến thăm, một anh đã lội xuống suối bắt cá mặc dù những người dân nơi đây khuyên là không nên làm như vậy, nhưng anh ta không nghe và lấy một viên đá gõ vào đầu cá, trên đường về gần đến nhà thì bị tai nạn chết. Thế rồi, hàng năm gia đình lại lên suối để thắp hương cúng giỗ cho anh ta. Còn một số trường hợp sau khi ăn những con cá lạc trên sông mùa mưa lũ thì bị ốm rồi bị tâm thần một thời gian...(?)".

Khoa học vào cuộcTừ những sự việc đó nên người nọ kể cho người kia và nhiều người cho rằng cá ở đây rất thiêng và gọi là "suối cá thần". Những câu chuyện này mỗi ngày một lan nhanh nên vào ngày cuối tuần, lượng khách đến tham quan khá đông. Người đến xem thường cho cá ăn lạc rang nên những chú cá cũng chẳng thiết chui vào trong núi nữa, cứ lượn lờ chờ thức ăn...

Cá Dốc ở suối Ngọc ngày càng đông đúc.Tuy nhiên, ai cũng đặt ra câu hỏi là tại sao cá đã sống ở đây hàng bao nhiêu năm trong một môi trường nước phải nói là "sạch" mà vẫn sinh sôi nảy nở như vậy? Nguồn nước đã được Sở Thuỷ sản Thanh Hoá lấy mẫu xét nghiệm và có kết luận là nước không bị ô nhiễm. Theo như quan sát của chúng tôi, ngoài cá Dốc và một vài loài cá khác (nhưng rất ít) thì chỉ còn nước và sỏi đá, không có một loại sinh vật nào sinh sống tại đây. Vậy thì thức ăn của cá là gì? Tại sao cá vẫn có thể sinh sôi? Tại sao một số người ăn thịt cá lại bị tâm thần? Phải chăng là trong cá có độc?... Người dân Cẩm Lương yêu quý cá Dốc vì thấy chúng hiền lành và không sợ người, họ vẫn ngày ngày ra suối tắm giặt cùng với những chú cá hiền lành ấy.
Hiện nay, một dự án xây dựng Suối cá Ngọc và một số hang động xung quanh thành khu du lịch sinh thái đã và đang được tiến hành: Một chiếc cầu treo bắc qua sông Mã và 3km đường nhựa nối từ đường 217 đến suối cá sẽ tạo thuận tiện cho khách đến tham quan. Song, trước khi suối cá chính thức trở thành khu du lịch thì công việc bảo vệ suối cá và nhất là bảo vệ môi trường nước ở đây là rất cần thiết. Vì hiện nay khách đến tham quan tự tiện cho cá ăn những thức ăn họ có, như vậy cũng có thể gây ra nguy hiểm cho cá? Trước khi suối cá Ngọc trở thành một khu du lịch thực sự thì cần có những nghiên cứu khoa học cụ thể để từ đó có phương án bảo vệ, nuôi dưỡng, cũng như tránh được những lời bàn tán xôn xao, những câu chuyện mang màu sắc thần bí về loài cá này.
(Theo báo Vietnamnet)
Thăm suối Cá Thần
Dòng suối dài hơn 100 mét ở miền sơn cước Trường Sơn (thuộc Thanh Hoá) có một loài thuộc họ cá chép được tương truyền là cá thần. Tuy nhiên, nhiều người dân còn chưa biết tới dòng suối này, dù nó đã có trong danh mục thắng cảnh của địa phương.
Suối Cá Thần có tên gốc là suối Lương Ngọc, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá. Bên bờ suối có một bản làng người Mường sinh sống từ ngàn năm nay.
Suối chỉ dài hơn 100 mét, chảy từ một hang đá chân núi, đổ ra cánh đồng thung lũng nằm thoai thoải bên bờ nam sông Mã. Theo niềm tin của người dân trong vùng, sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường. Do vậy, người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai ăn thịt loại cá này.
Bà Thang, dân tộc Mường, năm nay 73 tuổi, sinh ra và lớn lên tại bản Ngọc cho biết, khi lỡ đánh bắt được cá trên sông hay ngoài đồng, người dân đều mang về suối để thả lại. Dòng suối chỉ sâu trên dưới nửa mét, luôn có nước quanh năm. Ban ngày cá ra suối dạo chơi, lên đồng tìm mồi, chiều tối chúng kéo hết vào hang trong núi qua một khe hẹp
Cũng theo bà Thang, những con cá thần lớn ở luôn trong hang không ra được vì khe đá hẹp. Trong lòng núi có một hồ ngầm nên chúng vẫn sống và sinh sản truyền đời. Nằm ngay cạnh suối là đền thờ thần rắn linh thiêng, vị thần che chở cho đàn cá.
Trên núi Ngọc còn có chùa Rồng và cách chùa không xa là động Cây Đăng (còn có tên khác là động Đàn), một hang động đẹp không thua gì động Bích Đào ở Nga Sơn (Thanh Hoá).
Trước khi đến suối Cá Thần, du khách còn có thể ghé viếng Lam Kinh (nằm cạnh thị trấn Lam Sơn), kinh đô tưởng niệm của các vua nhà Hậu Lê. Hiện ở đây còn 8 lăng mộ của vua và hoàng hậu, trong đó có bia Vĩnh Lăng.
Rời suối Cá Thần đi tiếp sang sông Bưởi, qua xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, là di tích thành nhà Hồ, thành đá duy nhất còn lại ở Việt Nam. Để về thành phố Thanh Hoá, bạn còn đi ngang qua Gia Mưu Ngoại Trang, đất tổ phát tích của các chúa Nguyễn và vương triều cuối cùng của lịch sử nước ta. 


Du xuân cùng Lễ hội rước thần cá tại Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá)Vừa qua, tại Khu du lịch Suối cá thần thuộc xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ hội rước thần cá. Đây là lễ hội truyền thống có từ xa xưa, đã nhiều năm bị mai một. Thể theo nguyện vọng của nhân dân trong vùng, nhân dịp Xuân Kỷ Sửu – 2009, các ban, ngành chức năng của tỉnh, huyện Cẩm Thuỷ, xã Cẩm Lương đã phục dựng và tổ chức Lễ hội rước thần cá với quy mô khá hoàng tráng, đậm đà tính truyền thống và tín ngưỡng của người Mường bản địa.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều trò chơi mang đậm tính dân gian được tổ chức như: Ném còn, đẩy gậy, đánh đu, bắn nỏ, bóng chuyền...
Nguồn: Báo Thanh Hoá 
Kỳ bí suối cá thần bên chân núi Trường SinhSuối cá thần nằm tại địa bàn bản Ngọc (làng Ngọc), xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. Suối cá đã có hàng ngàn năm nay bên dưới chân núi Trường Sinh. Đứng bên này sông Mã trên đường vào suối cá thần, khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên, làng bản. Qua chiếc cầu treo như hình con thoi uốn lượn, bên dưới là dòng nước trong vắt.
Từ trên cầu, du khách có thể được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những dãy núi đá cao vút nằm bên bờ sông với nhiều hình dáng đầy sức tưởng tượng của tự nhiên ban tặng, mỗi dãy núi có độ cao, hình hài khác nhau, với danh tính rất mực gần gũi, như núi Thằn Lằn, núi Con Cò… thật lạ kỳ. Qua sông, khoảng 4km nơi đó chính là suối cá thần.

Cụ Trương, nay đã 83 tuổi, người gốc bản xứ kể: “Đàn cá được sinh ra trong những hang động bí ẩn, cá thần ở đây là vật linh thiêng, do vậy không ai được bắt hoặc ăn thịt cá”. Nhưng cái kỳ lạ ở đây làm cho mọi người phải tò mò, chú ý, đó là chỉ với một dòng nước từ hốc đá ngầm chảy từ chân núi có tới hàng ngàn, hàng vạn chú cá nối đuôi bơi ra, bơi vào.

Hơn nữa những chú cá thần không giống với cá bình thường, hình cá chép, môi đỏ rực, có khuyên tai to lộ rõ, thân cá màu đỏ hồng. Nếu như đến vào mùa nước cạn (thường vào mùa đông mặt nước chỉ chừng 20 – 40cm, cá lộ rõ phần bụng và phần trên của cá. Mỗi khi bơi, cá phát sáng nhiều màu lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt.

Bên cạnh là dãy núi còn được giữ khá nguyên vẹn của hệ thống rừng nguyên sinh với các động thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới. Còn đối với người dân thì vẫn còn lưu giữ những nét văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông... là nét văn hoá sinh hoạt đặc sắc của đồng bào Mường.

ĐIỂM DU LỊCH MỚI.
Đến Thanh Hoá, chúng ta ghé thăm thành Nhà Hồ cổ kính, đặt chân đến rừng quốc gia Bến En hùng vĩ, thơ mộng và có thể tắm trên bãi biển Sầm Sơn nổi tiếng. Song, đối với khách du lịch trong và ngoài nước, đến Thanh Hoá mà chưa ghé thăm Suối Cá Thần thì kỳ nghỉ đó của du khách chưa mang đầy ý nghĩa của một chuyến du lịch.

Cá Tiên hay Cá Thần?Cá Thần có từ bao giờ? Không ai biết! Tại sao lại gọi là cá Thần? Chẳng ai hay! Cá Thần chính là loài cá xuất hiện ở Suối Cá Thần tại địa bàn làng Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. Theo các bậc cao niên ở làng Ngọc thì Cá Thần có từ rất lâu đời, khi họ sinh ra là đã có loài cá này. Có người thì gọi là cá Thần, có người lại gọi là Cá Tiên. Cả 2 tên đều phù hợp để đặt cho loài cá này. Gọi là Cá Tiên vì trông rất đẹp, rực rỡ và không giống với những cá bình thường khác. Về hình thù, Cá Tiên có những nét giống với cá chép, môi đỏ rực, hai bên có khuyên tai to lộ rõ, thân cá màu đỏ hồng trông rất đẹp, rực rỡ và bắt mắt. Gọi là Cá Thần vì loài cá này đã đi vào cõi tâm linh của con người qua những câu chuyện được lưu truyền về chính nó. Những câu chuyện mà bất cứ ai, từ người già cho đến những đứa trẻ ở đây ai ai cũng thuộc để kể cho du khách nghe. Chuyện kể rằng: ngày xưa, có một người từ xứ khác đến nơi đây và đã liều lĩnh bắt trộm cá Thần. Mấy hôm sau, trên đường về ông đã bị đột tử giữa đường. Không dừng lại ở đó, con cái của ông người thì chết trẻ, đứa thì bị tật nguyền, què quặt…. Cái tên Cá Thần được bắt đầu từ đó. Chính vì vậy, Cá thần đã đi vào huyền thoại của người dân xứ Thanh, mọi người càng tôn sùng những chú cá Thần của mình, họ thường chăm sóc, nuôi nấng, chiều chuộng hết sức chu đáo những chú cá. Theo lời kể của người dân địa phương những người cao tuổi thì Suối Cá Thần là vật được mọi người tôn kính và thờ chúng để cuộc sống bình an. Cụ Lân, năm nay đã ngoài 70 tuổi, cho biết: “ Cá Thần là vật linh thiêng của làng, chính vì vậy, không ai được bắt và ăn thịt cá”. Có lẽ vì lý do đó nên tại một hang động phía trên ngọn núi, người ta đã lập một đền thờ. Nơi đây, du khách có thể thắp hương để cầu nguyện thần cá phù hộ cho mình. Phải chăng Suối Cá Thần chỉ là chuyện hư cấu của người dân bản địa? Bí ẩn vẫn còn đó!


Suối Cá Thần- tiềm năng du lịch cần đánh thức!Cá thần sinh sống ở Suối Cá thần. Suối Cá thần được bắt đầu từ chân của một ngọn núi đá, nơi đây đa số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Dòng nước trong vắt được chảy ra từ một miệng hang có đường kính chừng 1 mét. Mực nước thông thường chỉ sâu khoảng 30-54cm, vào mùa nước cạn (thường vào mùa Đông) mực nước chỉ chừng 20 - 25 cm, vậy mà có đến hàng trăm ngàn con cá nối đuôi nhau như những đoàn quân ra trận. Mùa nước cạn, những chú cá khoảng từ 1-2 kg cho đến khoảng trên 10kg thoải mái đùa giỡn, lộ rõ phần bụng và phần trên của cá. Du khách cũng có thể vuốt ve thân hình của cá làm chúng thích thú. Đây là một trong những cảnh đẹp vô cùng ấn tượng mà hầu hết du khách trong và ngoài nước tỏ ra yêu thích nhất. Nét độc đáo, hoang sơ và hùng vĩ của suối Cá Thần đã được Nhà nước xếp vào một trong những cảnh đẹp Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch thì suối cá thần ở Thanh Hoá là một trong những điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, các công ty du lịch thường thiết kế Tour cho du khách đến Thanh Hoá theo hướng thành Nhà Hồ - Sầm Sơn - Suối Cá Thần…..
Phải thừa nhận rằng, phong cảnh nơi đây “ sơn thuỷ hữu tình”. Trên đường đi vào Suối Cá Thần, từ phía bên này dòng sông Mã nổi tiếng hùng vĩ trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên, làng bản với những căn nhà sàn đơn sơ, mộc nạc của đồng bào dân tộc Mường. Chiếc cầu treo hiện đại bắc qua dòng sông Mã như hình con thoi uốn lượn, bên dưới chiếc cầu là dòng nước trong vắt. Những dãy núi đá cao vút có hình hài khác nhau nằm hai bên bờ sông với những vẻ đẹp phong phú do tự nhiên ban tặng. Nếu chúng ta muốn khám phá dòng sông chảy xiết để tận hưởng cảm giác mạnh mẽ nhưng mát mẻ của thiên nhiên, chúng ta có thể đi trên những con đò của người dân bản xứ.
Phong cảnh tuy thật hữu tình, song có thể nói rằng đây là một tiềm năng du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, tính chuyên nghiệp chưa cao. Theo quan sát của chúng tôi thì cơ sở hạ tầng chưa còn đơn giản, chưa thực sự đồng bộ so với các điểm du lịch khác. Các mặt hàng lưu niệm và các dịch vụ chưa phong phú, đội ngũ hướng dẫn viên chưa đực đào tạo bài bản, đa số là những hướng dẫn viên “ nhí” trong làng tuổi từ 10-14 tuổi.
Theo các nhà khoa học thì Cá thần có thể sống trong một con suối ngầm bên trong lòng núi. Do đó, cần phải bảo vệ môi trường nước một cách tối đa. Việc du khách dùng những loại thức ăn như bắp cải, bắp ngô…. cho cá ăn quá nhiều sẽ vô tình làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến “sức khoẻ” của loài cá. Chính vì vậy, cần có những biện pháp thiết thực để chăm sác bảo vệ, bảo tồn loài cá cũng như việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch hấp dẫn này.


Cá Thần

Người già nhất làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) hiện đang còn sống cũng không thể giải thích được tại sao quê hương lại được "trời ban" cho một suối cá thần. Hàng nghìn con cá được người dân bản địa đặt tên cá giốc, chúng quanh năm, suốt tháng chỉ ra vào qua một cửa hang rất hẹp.

Vào mùa mưa lũ, cá giốc có thể đi xa khỏi suối hàng cây số nhưng khi nước lũ rút thì lại quay về mà không có con nào bị "lạc đường". Người dân Lương Ngọc gọi đây là "suối cá thần", sự thiêng liêng của sông núi tích tụ từ nghìn đời. Song theo chính quyền địa phương cho biết thì hiện nay, rừng đầu nguồn đang bị lâm tặc lén lút phá lẻ tẻ. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nguồn nước cạn kiệt thì có thể "suối cá thần" sẽ bị diệt vong.Hồn thiêng sông núiTôi mê mẩn đứng nhìn đàn cá với số lượng hàng nghìn con, con to nặng tới 7-8kg, con nhỏ khoảng năm ba lạng, phần đa cùng một loài cá giốc. Chúng vô tư bơi ngược, xuôi theo con suối nhỏ nằm sát chân núi Trường Sinh, mặc cho hàng trăm du khách say đắm nhìn ngắm trong sự kỳ vĩ và bí ẩn của tạo hoá ở nơi núi rừng cách TP.Thanh Hoá đến hơn 100km này. Dòng nước từ khe nguồn của dãy núi Trường Sinh thảnh thơi chảy ra một cách chậm rãi, trong xanh và óng ánh. Thi thoảng lại có du khách ném vài cọng rau muống hoặc mấy hạt lạc xuống, "họ hàng" nhà cá giốc nhô lên đớp làm cho dòng nước chảy êm ái, bằng phẳng cuộn sóng đẹp long lanh như được dát bạc. Loài cá giốc ở suối Ngọc có hình thù rất đẹp, với lớp vảy phía trên lưng màu sẫm tựa như rêu và đá núi. Thân hình cá khá giống loài trắm sông, lưng và vây có chấm đỏ, môi phớt hồng. Khi mùa mưa về, nước lớn, cư dân địa phương và những du khách may mắn còn được chiêm ngưỡng những chú "cá chúa" nặng chừng 35-40kg xuất hiện "nô đùa" cùng bầy cháu chắt. Theo người dân mô tả thì ở phía ngoài mang của "cá chúa" có vành đỏ như kiểu người phụ nữ đeo khuyên tai, mắt mang viền xanh đỏ, đuôi được "trang sức" bởi một chấm đỏ viền xanh, đồng bào Mường sống tại làng Lương Ngọc gọi đây là mặt nguyệt biểu trưng cho sự yên bình, sự che chở của thần linh, của hồn thiêng sông núi. Ông Phạm Hồng Đức (79 tuổi) sống gần hết đời người ngay bên cạnh "suối cá thần" nói: Vào năm 1958 đã có người trong làng chui vào hang thám hiểm. Chuyện kể lại rằng họ vào bên trong gầm núi Trường Sinh mới phát hiện có rất nhiều suối ngầm nông - cạn khác nhau, nước trong suốt. Trong suối ngầm lại chia thành hai dòng nước nóng - lạnh. Đàn cá giốc sống bám theo dòng nước ấm ở các vụng rộng và sâu. Dòng nước ấm khi ra đến cửa hang nơi cá giốc hiện nay vẫn ra vào thì hoà quyện với dòng nước lạnh. Do cá giốc ở đây ngay từ khi sinh ra đã thích nghi với dòng nước ấm, nên chúng chỉ sống quang khu vực có nguồn nước tinh khiết tiết ra từ lòng núi. Cá giốc từ đâu đến "định cư" tại suối Ngọc? Con suối này nằm cách dòng sông Mã chưa đầy 2km. Các bậc cao niên khẳng định rằng, làng Lương Ngọc mới được thành lập vào thế kỷ 14, khi đó đã có "suối cá thần". Ông Đức đưa ra giả thiết, vào thế kỷ 11 có một trận lụt lịch sử đã đưa loài cá giốc từ sông Mã về sống tại suối Ngọc. Khi gặp nguồn nước ấm, chúng đã không quay về sông Mã nữa.Còn một băn khoăn nữa, vì sao từ thuở hồng hoang đã không ai bắt loài cá sinh tồn nơi đây làm thức ăn! Một câu chuyện đồn rằng, từng có một gia đình nghèo ở làng khác do đói quá đã đến suối bắt "cá thần" về nấu ăn, nhưng khi nấu lên thì không thấy cá mà chỉ là một nồi nước trong veo. Vợ chồng nhà nọ sợ quá nên phải mang lễ vật đến đền Ngọc thờ "Tứ phủ long vương" cách "suối cá thần" khoảng 200m cầu xin được họ hàng nhà giốc cùng trời đất xá tội chết. Lại một câu chuyện khác không biết thực hư thế nào: Cách đây khoảng 8 năm, có một đôi thanh niên người TP.Thanh Hoá lên xem cá thần, sau đó hai thanh niên này vì tò mò đã dùng đá núi đập chết một con cá giốc. Ngay khi trên đường từ suối cá trở về họ đã gặp tai nạn và tử vong.Gìn giữ "suối cá thần"Sự nổi tiếng của "suối cá thần" đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu trong các năm gần đây, đang mở ra hướng phát triển kinh tế du lịch địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Xung quanh khu vực suối Ngọc hiện đã mọc lên khoảng 15 quán kinh doanh các loại mặt hàng thổ cẩm, cơm lam, các đồ lưu niệm mang đậm dấu ấn núi rừng.
"Suối cá thần" dang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.Lác đác một vài hộ tự phát xây nhà cho du khách có nhu cầu ở lại. Bùi Minh Huế - tổ trưởng tổ hướng dẫn tham quan - sau khi giới thiệu đôi nét về suối cá thần đã đưa tôi lên núi Trường Sinh thưởng ngoạn các nhũ đá kỳ vĩ gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết được hư cấu khá lý thú bên trong động Ngọc. Quy luật đi của hang động này là "vào cửa cha ra cửa mẹ". Ngay tại vòm cửa động hiện hình thù con sư tử đang ngồi trên đài sen, bên dưới là hình con hà mã chồm lên giữa sóng nước. Vào tiếp bên trong mới thấy muôn vàn nhũ đá long lanh trong bóng nước với muôn hình thù khác nhau. Huế kể: "Em làm hướng dẫn viên ở đây đã gần 10 năm rồi. Bình quân mỗi tháng được khoảng 600 nghìn tiền công. Mỗi chuyến "đi tua" giá chỉ 10 nghìn đồng. Nhà có 3 anh em, giờ chỉ còn đứa em út đang theo học. May có "suối cá thần" và hệ thống hang động với muôn vàn nhũ đá đã tạo việc làm để em nuôi chính bản thân mình và giúp đỡ bố mẹ một phần nuôi em ăn học". Không chỉ có vậy, ở suối cá thần cũng đang tạo việc làm cho 6 lao động chuyên làm nghề chụp ảnh. "Bọn em chụp xong là cắt phim cho du khách về dưới xuôi rửa. Mỗi kiểu ảnh lấy 4 nghìn đồng, trừ tiền phim còn lãi 3 nghìn. Ngày cũng kiếm được khoảng 40 nghìn đồng" - một thợ ảnh nói.Người dân Lương Ngọc vẫn xem suối cá là nơi linh thiêng để che chở cho bản làng, ban phát những điều lành, xua đuổi điều giữ. Việc phát triển du lịch bung ra đang làm cuộc sống của họ bị xáo trộn. Và nguy hại hơn nữa, nếu không giữ được suối cá thì chẳng lâu nữa sẽ không còn một du khách nào ghé thăm làng Ngọc. Ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương cho biết: Năm 2006 có 44 nghìn lượt du khách về thăm "suối cá thần", tổng tiền vé tham quan thu được 440 triệu đồng. Đây là một nguồn thu chủ yếu của địa phương. Sang năm 2007, chỉ tính riêng trong 5 ngày Tết đã thu được 100 triệu đồng tiền bán vé tham quan, trong đó riêng ngày mồng 3 Tết đón 7 nghìn lượt du khách.Tuy nhiên chính quyền xã Cẩm Lương đang rất lo lắng về việc bảo vệ cho sự sinh tồn của suối cá. Nguồn nước ngầm từ trong lòng núi đã nuôi dưỡng cho loài cá giốc hàng ngàn năm qua. Nguồn nước đó được chắt lọc từ 520ha rừng đầu nguồn của xã này. Nhưng nay diện tích rừng trên đang đứng trước nguy cơ bị lâm tặc tàn phá nếu không có sự quản lý nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng. Năm 2006, Công an xã Cẩm Lương đã bắt được 4 vụ chặt phá rừng, phạt 4,5 triệu đồng. Ông Lợi khẳng định: "Muốn giữ được suối cá, trước tiên phải giữ được rừng. Không còn rừng thì không có nước. Và không có nước thì cá sẽ chết. Phải bảo vệ nguyên trạng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự như vậy mới giữ được suối cá và thu hút khách tham quan. Song việc giữ rừng đang là vấn đề nan giải đối với chúng tôi".

 


Một góc suối cá thầnSuối cá thần Cẩm Lương là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú có từ hàng trăm năm nay bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thuỷ (cách trung tâm TP Thanh Hoá gần 100 km về phía Tây Bắc).

Huyền thoại về suối cá thầnHuyền thoại kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, nơi bản Ngọc thời khai thiên, lập địa, vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, người dân túng đói vô ngần. Một hôm, có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước, nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên người ấy lại thấy quả trứng đang trên tay mình.
Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó họ đã để con rắn ở lại sinh sống với mọi người.
Lạ thay, từ đó đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản nên được mọi người hết lòng tôn kính. Rồi một hôm định mệnh, trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc.
Thương tiếc chàng rắn, dân bản chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng chàng rắn chết là do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân bản. Sau này chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương. Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn.
Cá nhiều màu ở suối cá thầnMột ngày du ngoạn, khám phá suối cá thần
Theo những phân tích của các nhà ngư loại học gần đây, đàn cá hàng nghìn con lớn, nhỏ ở suối cá Cẩm Lương gồm các loài: Cá dốc (có tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus- thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng...
Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt, ấn tượng. Đặc biệt, đàn cá thần rất thân thiện với con người. Mỗi khi đồng bào ra suối Ngọc rửa rau, vo gạo, ai cũng nhớ thả cho đàn cá thần một ít rau, ít gạo. Hàng ngày, cá thần nhảy lên khỏi mặt nước vui đùa cùng du khách.
Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20- 40cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước mơn man, vuốt ve những con cá thần to như bắp chân, bắp tay. Đây là điều kỳ thú, hấp dẫn, nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong, ngoài nước đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm.
Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Đồng bào dân tộc Mường nơi đây với những nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông... sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách. Đặc biệt, dọc dãy núi Trường Sinh hiện còn có nhiều hang động nguyên sơ chưa được khám phá.
Để đến suối cá thần, du khách có thể đi trên quốc lộ 217, nối từ Đò Lèn, cạnh quốc lộ 1A về cầu treo Cẩm Lương; hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh, đến thị trấn Cẩm Thuỷ rồi rẽ lên quốc lộ 217. Những du khách yêu thích sông nước thì sẽ có dịp đi đường thuỷ dọc sông Mã, từ cầu Hàm Rồng lịch sử (TP Thanh Hoá) lên địa danh Cửa Hà - Cẩm Thuỷ nên thơ, hùng vĩ.
Hiện nay, cầu treo Cẩm Lương nối quốc lộ 217 với đường vào suối cá thần vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách mỗi khi về Cẩm Lương.



 Suối cá thần ở Thanh Hoá:Bí ẩn chờ giải mã
Thứ bảy 30/06/2012 13:11
Sự bí ẩn cùng với những câu chuyện mang đậm chất liêu trai đã giữ được vẻ tự nhiên, nguyên sơ "độc nhất vô nhị" của suối cá.

Nằm khép mình bên chân núi Trường Sinh hùng vĩ, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá; "suối cá thần" từ lâu luôn ẩn chứa những câu chuyện huyền bí xung quanh nguồn gốc của suối cá…Sự bí ẩn cùng với những câu chuyện mang đậm chất liêu trai đã giữ được vẻ tự nhiên, nguyên sơ "độc nhất vô nhị" của suối cá.
Cửa hang cá ra vào.
Tạo hóa bí ẩn

 "Suối cá thần" có từ bao giờ? Đó là loài cá nào? Cá sống ra sao? Tất cả vẫn đang còn là câu hỏi. Sự tồn tại của suối cá này gắn liền với đời sống tâm linh của người dân bản địa.

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, người dân ở đây vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá bắt đầu từ một truyền tích về thần rắn: Xưa có vợ chồng tuổi đã cao vẫn chưa có con. Một hôm người vợ đi xúc cá vô tình xúc được một quả trứng lạ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm thấy gà cục tác, bà ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng quá hai vợ chồng mang rắn ra suối Ngọc để thả, kì lạ thay cứ thả thì tối lại thấy rắn về nhà. Như một cơ duyên, hai vợ chồng quyết định nuôi rắn. Từ khi có rắn trong nhà, ruộng đồng có đủ nước cấy cày, cảnh hạn hán kéo dài trong vùng không còn. Chàng Rắn sống với gia đình và bản làng người Mường trong cảnh thanh bình, no ấm... Bỗng một đêm trời mưa to, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng Rắn nằm chết dạt vào chân núi Trường Sinh. Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay dưới chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Sau đó dân làng được thần linh báo mộng cho biết, chàng Rắn đã đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng và được Thượng đế phong thần hiệu "Tứ phủ Long Vương"... Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ có đàn cá cả ngàn con ngày đêm về chầu và người dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc.

Có rất nhiều câu chuyện lý giải về nguồn gốc của suối cá, các bậc cao niên trong làng lại giải thích rằng vào thế kỷ 19 có một trận lụt lịch sử đã đưa loài cá Dốc từ Sông Mã về sống tại suối Ngọc (con suối này nằm cách sông Mã chưa đầy 2km), gặp nguồn nước ấm chúng đã không quay trở về sông Mã nữa...?

Đến "Suối cá thần" chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự xuất hiện của hàng nghìn con cá. Hình thù của những con cá ở đây trông cũng rất khác lạ: mình giống mình cá trắm, bụng căng tròn, vẩy giống vẩy cá chép, môi màu phớt hồng, vây và đuôi màu đỏ rất bóng, có những con vây và môi đều phớt hồng trông rất đẹp.

Cá ở đây có nhiều kích cỡ, có những con chỉ bằng chuôi dao, nhưng cũng có những con khối lượng lên tới 7- 8kg. Người dân nơi đây cho biết, cá Chúa còn có khối lượng lên tới 30kg. Cứ mỗi buổi sáng, đàn cá lại từ trong hang chui ra như đã có hẹn từ trước. Đây là thời gian lý tưởng để khách thăm quan có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của dòng suối bên chân núi Ngọc.

Chiều tối, đàn cá lại rủ nhau về hang trú ẩn. "Suối cá thần" được bắt nguồn từ chân của dãy núi đá. Các loài cá ở đây thân thiện, gần gũi với con người và rất phàm ăn. Cá sống và sinh sản chủ yếu bằng thức ăn rong, rêu và các loại lá cây hai bên bờ suối rụng xuống như: lá dâu da xoan, lá cây long lạnh, lá bưởi, lá lim... (một loại lá rất độc).

Theo lời kể của người dân thì vào năm 1958 đã từng có người trong làng chui vào trong hang thám hiểm và cho biết trong lòng núi Trường Sinh có rất nhiều suối ngầm nông, sâu khác nhau, nước trong suốt. Trong suối ngầm lại chia thành hai dòng nước nóng- lạnh. Đàn cá bám theo dòng nước ấm và nơi lý tưởng nhất mà chúng tìm được là quanh khu vực có nguồn nước tinh khiết chảy ra từ dòng suối. Điều kỳ lạ dù là nơi thường xuyên bị lũ lụt nhưng cá trong suối không bao giờ trôi đi, khi nước lớn tràn vào suối, những con cá lớn chui vào hang, hốc để trốn, những con nhỏ nếu bị nước cuốn đi cũng có thể tự biết đường bơi trở lại.

Từ khi phát hiện ra "Suối cá thần" người dân trong bản đã lập ban thờ bên cạnh khu vực hang động nằm cách suối cá 10m để thờ Thần Cá.

Chuyện về cá mẹ
Những câu chuyện ly kỳ xung quanh suối cá thần là đề tài thu hút khách thập phương gần xa. Người dân ở đây tin rằng sự sung túc của bầy cá là biểu tượng của sự bình yên, no ấm. Họ cho rằng suối cá rất linh thiêng, ai dám bắt và ăn thịt các loại cá trên dòng suối này đều bị xem là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây tai họa cho mình mà còn cho cả cộng đồng. Hằng năm, lễ tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối được mở từ ngày 8-15 tháng Giêng âm lịch, đông đảo người dân gần xa đến chiêm ngưỡng và cầu may.
Xung quanh suối cá kỳ lạ này có rất nhiều câu chuyện huyền bí được người dân kể lại: Có một đôi vợ chồng làng khác vì đói quá nên đã đến suối bắt "cá thần" về nấu ăn. Nhưng khi nấu lên không thấy cá đâu mà chỉ thấy một nồi nước trong veo, vợ chồng họ hoảng sợ quá nên mang lễ vật đến đền Ngọc thờ "Tứ phủ Long Vương" để xin thần cá cùng trời đất ân xá (?!).

 Lại có câu chuyện đồn rằng có một đôi thanh niên từ thành phố Thanh Hóa lên xem "cá thần". Sau đó vì tò mò họ đã dùng đá đập chết một con cá, trên đường quay trở về, hai thanh niên đã gặp tai nạn và tử vong. Những người dân trong bản đều tin rằng nếu ai trêu đùa, làm hại cá thần hay làm bẩn nước, nhẹ sẽ bị ốm, còn nặng sẽ bị "mất mạng"?

Những câu chuyện kiểu như thế xung quanh suối cá thần chưa được kiểm chứng nhưng chuyện người dân trong bản luôn xem loài cá này là cá thần và không dám ăn cá là có thật. Ông Nguyễn Văn Mạnh, người dân địa phương cho biết: Trên đầu nguồn suối Ngọc có một con cá mẹ nặng hàng trăm kg, là thủy tổ của cá suối Ngọc. Trước kia cá Mẹ thường hay xuống dạo chơi cùng các con nhưng bây giờ già yếu rồi nên không xuống nữa.

Có người kể lại rằng cá Mẹ chỉ nằm một chỗ, ít khi di chuyển ra ngoài thung, khoảng 5 năm mới ra ngoài một lần và năm nào cá Mẹ xuất hiện thì dân quanh vùng đều được mùa, làm ăn phát đạt. Người dân địa phương cho rằng: Không phải cá ở đây không chết mà chúng có thể chết ở một hang hốc nào đó, hy hữu lắm mới thấy một vài con chết bên bờ suối.

Bà Nguyễn Thị Minh, 76 tuổi- người hay chôn cất cá cho biết: "Khi cá chết chúng tôi phải tế lễ để xin phép thần Rắn rồi mới được phép đem chôn, mộ của cá cũng phải được đánh dấu đàng hoàng". Trước đây, khi suối cá chưa trở thành khu du lịch người dân vẫn đến suối lấy nước dùng cho sinh hoạt gia đình bởi nước suối không hề có mùi tanh và luôn trong vắt, có thể nhìn thấy đá ở đáy suối.
Người dân đang xem và cho cá ăn.

Tiềm năng  du lịch cần đánh thức

Để vào được suối cá người ta phải đi qua một chiếc cầu treo bắc qua sông Mã. "Suối cá thần" đã làm cho phong cảnh bản Ngọc trở nên "sơn thủy hữu tình".

 Cá ở đây rất hiền, bơi một cách chậm chạp dưới dòng suối tĩnh lặng và trong vắt. Du khách sẽ luôn cảm thấy thoải mái trước nhịp sống rất chậm ở nơi đây, họ có thể cho cá ăn bỏng ngô, bim bim, các loại rau...Một số người hiếu kỳ còn lội xuống dòng suối vuốt ve sống lưng "cá thần".

Thỉnh thoảng người ta còn đựợc chiêm ngưỡng hình ảnh những con cá to lớn nhảy lên khỏi mặt nước trông rất thích mắt. Đến bản Ngọc du khách không chỉ được tham quan "suối cá thần", mà còn có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản miền sơn cước như cơm lam, ngô nướng.

Tuy " Suối cá thần" được đánh giá là có tiềm năng du lịch nhưng trên thực tế vẫn chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ như những điểm du lịch khác trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng còn đơn giản, đội ngũ hướng dẫn viên, nhiếp ảnh chưa được đào tạo bài bản, các nhà nghỉ, nhà trọ rất ít, chất lượng còn rất thấp.

Ngoài " Suối cá thần" (Mó Ngọc)  Cẩm Lương, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy còn có " suối cá thần" (Mó Đóng) thuộc bản Rùng, xã Cẩm Liên cách thị trấn Cẩm Thủy 15km về phía Tây. Hai suối cá này ở hai bờ khác nhau của sông Mã. Gần đây nhất người dân đã phát hiện thêm một "suối cá thần" ở bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước - đây là "suối cá thần" thứ 3 được phát hiện ở Thanh Hóa.
Ngọc Hưng- Nguyễn Hiền/Gia đình và Xã hội




Cẩm Thuỷ phát triển chăn nuôi gia súc
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đưa các giống gia súc mới có chất lượng cao vào chăn nuôi, chú trọng công tác thú y... Huyện đã triển khai, thực hiện dự án “Cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò”; xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gia súc tập trung ở các xã.
Với chủ trương phát triển kinh tế trang trại, nhiều gia đình đầu tư vốn mua con giống chất lượng cao, quy hoạch đất trồng cỏ voi ổn định, nên việc chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn đã có những bước tiến vượt bậc. Tổng đàn trâu toàn huyện hiện nay là 17.771 con, tăng 1.977 con so với năm 2003; tổng đàn bò là 6.446 con, tăng 2.091 con so với năm 2003; tổng đàn lợn là 48.526 con và đàn dê có 9.820 con... Những xã có đàn trâu tăng nhanh so với năm 2003 là: Cẩm Bình, Cẩm Vân, Cẩm Thành... Hiện toàn huyện có 188 hộ nuôi từ 10 đến 14 con trâu, điển hình là ông Triệu Văn Sáng ở thôn Phú Sơn (xã Cẩm Châu) nuôi 17 con, trong đó có 10 con trâu cái sinh sản. Về phát triển đàn bò, nhất là sau khi thực hiện dự án “Cải tạo và nâng cao tầm vóc đàn bò, nhiều xã có số đàn bò tăng mạnh so với năm 2003 như: Cẩm Bình, Cẩm Phú, thị trấn Cẩm Thủy... Điển hình có hộ ông Đỗ Xuân Tăng ở thôn Đầm (Cẩm Quý) nuôi tới 195 con bò, ông Bùi Trọng Hoan ở thôn Bái (Cẩm Long) nuôi 65 con, ông Triệu Văn Minh ở thôn Sơn Lập (Cẩm Châu) nuôi 38 con. Thực hiện dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình 135, năm 2004 tại xã Cẩm Châu đã mua 36 bò cái sinh sản cấp cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, với tổng số vốn được đầu tư là 120 triệu đồng. Đến nay, đàn bò này sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện đang tiếp tục triển khai dự án này tại xã vùng cao Cẩm Quý, với tổng số vốn là 140 triệu đồng. Ngoài phát triển đàn trâu, bò, Cẩm Thủy còn đặc biệt quan tâm phát triển đàn lợn, đàn dê, với tổng số lượng lên tới hàng chục nghìn con.
Ngành chăn nuôi đại gia súc ở Cẩm Thủy đã, đang đi đúng hướng và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Số trang trại chăn nuôi tập trung có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/năm ngày càng nhiều. Chất lượng sản phẩm đàn gia súc từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Huyện đang tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, tạo ra giá trị hàng hóa ngày càng cao cho mỗi hộ nông dân./.